
Tại sao cần quan tâm đến chất tẩy rửa cho sàn tĩnh điện?
Lựa chọn chất tẩy rửa phù hợp cho sàn chống tĩnh điện sẽ giúp duy trì hiệu quả và tuổi thọ của sàn. Ngược lại, khi sử dụng chất tẩy rửa không phù hợp có thể gây hư hỏng bề mặt sàn, làm mất tính năng chống tĩnh điện và giảm độ bền của sàn. Ngoài ra, sử dụng chất tẩy rửa không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe con người, như gây dị ứng, phỏng da, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và hệ hô hấp.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, nên sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng cho sàn tĩnh điện, tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và thực hiện vệ sinh định kỳ. Việc này không chỉ giúp duy trì tính năng của sàn mà còn đảm bảo môi trường sử dụng và làm việc an toàn, sạch sẽ.
Tiêu chí lựa chọn chất tẩy rửa cho sàn tĩnh điện
Thành phần hóa học an toàn
Bạn nên chọn chất tẩy rửa có pH trung tính (khoảng 7) để tránh làm hỏng bề mặt sàn và đảm bảo khả năng chống tĩnh điện. Bên cạnh đó, tránh sử dụng các chất tẩy rửa chứa axit mạnh, kiềm hoặc dung môi có thể gây ăn mòn hoặc làm giảm hiệu quả chống tĩnh điện của sàn, chẳng hạn như thuốc tẩy.
Có khả năng làm sạch hiệu quả
Bạn nên chọn chất tẩy rửa có khả năng loại bỏ hiệu quả bụi bẩn, dầu mỡ và các vết bẩn khác mà không làm hỏng bề mặt sàn. Đồng thời, loại chất tẩy rửa này cũng không được để lại cặn sau khi sử dụng.
Phù hợp với loại sàn
Trong gia đình, đôi khi chúng ta sử dụng loại chất tẩy rửa dùng cho đồ vật này để làm sạch đồ vật khác, chẳng hạn như dùng nước rửa bát để rửa tay hoặc sữa tắm dùng để giặt khăn. Tương tự, đôi khi chúng ta cũng có thể dùng loại chất tẩy rửa khác để làm sạch sàn tĩnh điện. Tuy nhiên, các sản phẩm vệ sinh truyền thống có thể chứa loại hóa chất làm hỏng hoặc mài mòn sàn nhà. Do đó bạn nên sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng được thiết kế riêng cho loại sàn tĩnh điện, đặc biệt là sàn vinyl, để đảm bảo hiệu quả làm sạch và bảo vệ bề mặt.
Thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng
Ưu tiên các sản phẩm không chứa hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường. Chọn chất tẩy rửa có khả năng phân hủy sinh học để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Các sản phẩm có hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thấp và không chứa chất gây kích ứng hóa học giúp bảo vệ sức khỏe người dùng, giảm ô nhiễm không khí trong nhà và đảm bảo an toàn cho môi trường. Lựa chọn sản phẩm đã qua kiểm định về phát thải sẽ giúp duy trì môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn.
Phù hợp với điều kiện môi trường
Khi chọn chất tẩy rửa cho sàn chống tĩnh điện, cần xem xét môi trường nơi sàn được lắp đặt. Nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến độ dẫn điện của sàn cũng như hiệu quả của chất tẩy rửa. Nếu môi trường có độ ẩm cao hoặc dao động nhiệt độ lớn, cần chọn sản phẩm được thiết kế để hoạt động tốt trong điều kiện này.
Thương hiệu uy tín và chứng nhận chất lượng
Chọn các sản phẩm từ những thương hiệu uy tín trên thị trường, có chứng nhận chất lượng và được nhiều người tin dùng. Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc đơn vị thi công sàn tĩnh điện ban đầu để chọn được sản phẩm phù hợp nhất cho sàn chống tĩnh điện của bạn.
Hướng dẫn vệ sinh sàn tĩnh điện đúng cách
Chuẩn bị dụng cụ và chất tẩy rửa
- Dụng cụ cần thiết: Chổi quét, máy hút bụi, xô đựng nước, cây lau nhà, bàn chải mềm.
- Chất tẩy rửa: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn mác. Nhãn phải cung cấp thông tin về thành phần, mức độ pH và cách sử dụng được khuyến nghị, ngoài ra có thể có thêm các thông tin về các loại bề mặt mà chất tẩy rửa tương thích. Sử dụng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng cho sàn tĩnh điện có pH trung tính, tránh các chất tẩy rửa chứa axit mạnh, kiềm hoặc dung môi có thể gây hại cho bề mặt sàn.
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và chất tẩy rửa
Quy trình vệ sinh
Bước 1: Quét dọn và hút bụi
Sử dụng chổi quét hoặc máy hút bụi để loại bỏ rác và bụi bẩn trên bề mặt sàn. Việc này giúp ngăn chặn các hạt bụi nhỏ gây trầy xước sàn trong quá trình lau chùi.
Bước 2: Pha dung dịch vệ sinh
Pha dung dịch tẩy rửa chuyên dụng với nước ấm theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc sử dụng nước ấm giúp tăng hiệu quả làm sạch.
Bước 3: Lau sàn
Nhúng cây lau nhà vào dung dịch đã pha, vắt để cây lau nhà không quá ướt, sau đó lau đều lên bề mặt sàn. Đối với các vết bẩn cứng đầu, có thể sử dụng bàn chải mềm để làm sạch kỹ hơn.
Bước 4: Hút nước và làm khô
Sau khi lau, sử dụng máy hút nước để loại bỏ dung dịch còn sót lại trên sàn. Tiếp theo, để sàn khô tự nhiên hoặc quạt để làm khô sàn hoàn toàn trước khi sử dụng.
Bước 5: Kiểm tra lại mặt sàn
Sau khi vệ sinh, cần đo lại các thông số kỹ thuật của sàn để đảm bảo tính năng chống tĩnh điện vẫn được duy trì. Bao gồm:
- Kiểm tra điện trở suất bằng đồng hồ đo ohm để đảm bảo sàn vẫn nằm trong phạm vi mong muốn. Cụ thể, trong môi trường sản xuất thiết bị điện tử, điện trở suất của sàn phải < 1,0 x 10⁹ ohm, còn trong các khu vực khác như nhà ở, giá trị này phải nằm trong khoảng 1,0 x 10⁶ - 1,0 x 10⁹ ohm.
- Đo điện áp thân máy để kiểm tra mức độ kiểm soát tĩnh điện của sàn. Trong môi trường điện tử, giá trị này phải dưới 100V, còn trong cơ sở dân dụng phải dưới 500V.