Skip to content
Tất tần tật về luật cầu lông - Đơn giản và dễ hiểu cho người mới
Tư vấn

Tất tần tật về luật cầu lông - Đơn giản và dễ hiểu cho người mới

Khi bắt đầu chơi hoặc tập luyện chuyên nghiệp bộ môn cầu lông, bạn cần nắm vững luật chơi, từ vị trí đứng, cách phát cầu, giao cầu, cách tính điểm, các lỗi phạm luật,... và thậm chí cả vai trò của các trọng tài để tìm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Nguồn gốc và quá trình phát triển môn cầu lông

Cầu lông có nguồn gốc từ giữa thế kỷ 18 tại British India - thuộc địa cũ của Anh. Ban đầu, trò chơi này do các sĩ quan quân đội Anh sáng tạo và nhanh chóng trở nên phổ biến tại đơn vị đồn trú ở thị trấn Poona (nay là Pune). Vì thế, nó còn được gọi là "Poona game". Sau đó, một sĩ quan về hưu đã mang trò chơi này về Anh, tại đây bộ môn cầu lông đã được phát triển và xây dựng luật chơi bài bản hơn.

Năm 1893, Hiệp hội cầu lông Anh chính thức xuất bản bộ luật đầu tiên, đặt nền móng cho luật chơi hiện đại. Đến năm 1934, Liên đoàn Cầu lông Quốc tế (International Badminton Federation - IBF, nay là Badminton World Federation - BWF) được thành lập, giúp môn thể thao này phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Cột mốc quan trọng nhất là vào năm 1992, lần đầu tiên cầu lông trở thành môn thi đấu chính thức tại Thế vận hội Olympic Barcelona với 5 nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Kể từ đó, môn thể thao này tiếp tục phát triển và thu hút sự quan tâm lớn từ người chơi trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, cầu lông du nhập thông qua quá trình thực dân hóa và đồng thời do Việt kiều mang về nước. Ban đầu, môn thể thao này chỉ phổ biến trong một nhóm nhỏ người chơi. Đến năm 1961, Hà Nội tổ chức giải đấu giao hữu đầu tiên tại vườn Bách Thảo, nhưng số lượng người tham gia còn ít và trình độ chuyên môn chưa cao.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, phong trào chơi cầu lông mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1977 - 1980, cầu lông phổ biến hơn tại các thành phố và thị xã. Cột mốc quan trọng diễn ra vào tháng 10/1990 khi Liên đoàn Cầu lông Việt Nam được thành lập. Đến năm 1994, tổ chức này chính thức trở thành thành viên của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (IBF),đánh dấu bước tiến lớn trong sự hội nhập và phát triển của cầu lông Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Luật cơ bản bộ môn cầu lông

Cơ sở hạ tầng và dụng cụ chơi cầu lông

Kích thước sân cầu lông

Kích thước sân cầu lông được chia thành kích thước cho sân cầu lông đơn và đôi nhưng trong hầu hết các trường hợp, người ta thường thi công sân cầu lông kết hợp 2 loại sân này với nhau. Trong đó:

Kích thước sân cầu lông đơn:

  • Chiều dài sân đấu: 13,40 m (44 feet).
  • Chiều rộng sân (không tính hai đường biên): 5,18 m (17 feet).
  • Đường chéo sân: 14,38 m (47 feet).

Kích thước sân cầu lông đôi:

  • Chiều dài sân đấu: 13,40 m (44 feet).
  • Chiều rộng sân (không tính hai đường biên): 6,1 m (20 feet).
  • Đường chéo sân: 14,73 m (48 feet).

Ngoài ra, không gian xung quanh thảm cầu lông nên để trống khoảng 2 m.

Vị trí, kích thước của sân cầu lông
Vị trí, kích thước của sân cầu lông

Lưới và cột

Lưới và cột được thi công song song với đường trung tâm của sân cầu lông với các kích thước sau:

  • Chiều cao từ mặt sân đến đỉnh của cột căng lưới: 1,55 m.
  • Chiều cao từ mặt sân đến mép trên của lưới tại điểm giữa sân: khoảng 1,524 m.
  • Chiều rộng của lưới: 76 cm.
  • Chiều dài của lưới (khoảng cách 2 biên): 6,7 m.
  • Kích thước một cạnh của mắt lưới: 10 - 20 cm.

Cầu và vợt

Quả cầu lông thường được làm từ lông vũ hoặc nhựa tổng hợp, cầu bằng nhựa có tỷ lệ sai số <10% so với cầu lông vũ. Phần lông vũ hoặc nhựa dài khoảng 6,2 - 7,2 cm, đáy nhỏ gắn vào đế cầu có đường kính khoảng 2,8 - 3,5 cm, đường kính lớn khoảng 5,8 - 6,8 cm.

Vợt cầu lông bao gồm cán vợt, thân vợt, cổ vợt và khung đan lưới, có kích thước tối đa chiều dài là 68 cm và chiều rộng là 23 cm. Ngoài các bộ phận chính nêu trên, không được thêm bất cứ bộ phận nào, trừ những bộ phận giúp ngăn ngừa nguy cơ chấn thương như quấn cán hoặc bọc đầu vợt. 

Quy tắc chọn sân, lượt giao cầu

Trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài sẽ tiến hành xác định quyền chọn sân hoặc lượt giao cầu bằng cách tung đồng xu. Người thắng có quyền lựa chọn giữa việc giao cầu trước hoặc chọn bên sân thi đấu, người còn lại sẽ nhận quyền chọn phần còn lại.

Trong các giải phong trào, thay vì tung đồng xu, trọng tài sẽ đặt úp quả cầu lên mép lưới. Quả cầu rơi về bên nào trước, người chơi bên đó sẽ có quyền chọn sân hoặc lượt giao cầu, và đối thủ sẽ nhận phần quyền còn lại. Cách xác định này giúp đảm bảo công bằng cho người chơi ở cả 2 đội.

Vị trí giao cầu

Trong thi đấu, phạm vi giao và nhận cầu được giới hạn bởi các đường biên, bao gồm đường trung tâm, vạch giao cầu ngắn, đường biên dọc phía trong và vạch giao cầu dài (cũng chính là đường biên ngang cuối sân). 

Sân được chia thành hai khu vực: bên trái và bên phải. Vị trí đứng của người giao cầu phụ thuộc vào điểm số hiện tại của họ:

  • Nếu điểm số là chẵn (0, 2, 4, 6,…),người giao cầu đứng ở nửa phần sân bên phải của mình.
  • Nếu điểm số là lẻ (1, 3, 5, 7,…),người giao cầu đứng ở nửa phần sân bên trái của mình.

Người nhận cầu sẽ đứng ở vị trí chéo đối diện so với người giao cầu. Trong quá trình giao cầu, người chơi phải đảm bảo không chạm vạch biên và tuân thủ luật giao cầu hợp lệ.

Cách giao cầu trên sân
Cách giao cầu trên sân

Tư thế giao cầu

Người chơi phải tuân thủ đúng kỹ thuật và quy định khi thực hiện giao cầu. Theo luật mới của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF),khi giao cầu, tay cầm cầu phải đặt dưới thắt lưng và mặt vợt phải thấp hơn hoặc bằng 1,15m tính từ mặt sân. Người giao cầu không được tung cầu lên khi phát.

Cả người giao và người nhận đều phải giữ ít nhất một phần của hai chân chạm mặt sân trước khi cầu được đánh đi. Khi thực hiện cú đánh, thân vợt phải hướng xuống dưới và chuyển động của vợt phải liên tục từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc cú giao cầu. Đường đi của cầu phải hướng lên, vượt qua lưới và rơi vào ô sân của người nhận cầu.

Thứ tự giao cầu trong hiệp với cầu lông đơn

Sau khi pha giao cầu được thực hiện, hai người chơi sẽ luân phiên đánh cầu qua lại từ bất kỳ vị trí nào trong phần sân của mình cho đến khi cầu không còn trong cuộc (rơi ngoài vạch biên hoặc phạm lỗi).

Người thắng pha cầu sẽ ghi được 1 điểm. Khi đó, cả hai người chơi trên sân đều phải đổi vị trí đứng (bên trái hoặc bên phải) và người thắng pha cầu sẽ thực hiện lượt giao cầu tiếp theo.

Thứ tự giao cầu trong hiệp với cầu lông đôi

Trong cầu lông đôi, thứ tự giao cầu và nhận cầu được luân phiên giữa hai vận động viên của mỗi đội theo nguyên tắc:

  • Người giao cầu đầu tiên đứng ở ô bên phải, thực hiện cú giao cầu sang đối thủ ở vị trí đối diện chéo với mình.
  • Sau khi cầu được đánh trả, hai đội sẽ thay phiên nhau thực hiện các cú đánh cho đến khi cầu không còn trong cuộc.
  • Nếu đội giao cầu thắng pha cầu, họ tiếp tục giao cầu nhưng đổi sang ô giao cầu còn lại. Nếu đội nhận cầu thắng pha cầu, họ sẽ được giao cầu trong pha cầu tiếp theo.
  • Quá trình này luân phiên giữa các thành viên trong đội, đảm bảo không ai nhận hai quả giao cầu liên tiếp hoặc giao cầu sai lượt.
  • Bất kỳ vận động viên nào của đội thắng có thể giao cầu đầu tiên ở hiệp mới, tương tự bất kỳ vận động viên nào của đội thua có thể nhận cầu đầu tiên ở hiệp mới.

Cách tính điểm

Trận đấu cầu lông đơn sử dụng hệ thống tính điểm trực tiếp. Người chơi ghi điểm khi thắng một pha cầu, bất kể họ đang giao cầu hay nhận cầu.

  • Mỗi ván đấu diễn ra đến 21 điểm, người thắng phải hơn đối thủ ít nhất 2 điểm.
  • Nếu tỷ số là 20-20, ván đấu tiếp tục cho đến khi một bên tạo được cách biệt 2 điểm liên tiếp.
  • Nếu tỷ số là 29-29, người đạt 30 điểm trước sẽ thắng ván đấu.
  • Một trận đấu thường gồm 3 ván, ai thắng 2 ván trước sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

Các lỗi bị mất điểm:

  • Trì hoãn giao cầu.
  • Giao cầu không qua được vạch 3m.
  • Giao cầu cao hơn 1,15m so với mặt sân hoặc đứng sai vị trí.
  • Cầu không qua lưới hoặc rơi ngoài khu vực quy định (nêu trong phần “Vị trí giao cầu”).
    Các nguyên tắc tính điểm trong cầu lông
    Các nguyên tắc tính điểm trong cầu lông

Nghỉ giữa hiệp và đổi sân

Vận động viên được nghỉ 2 phút giữa mỗi hiệp và khi một bên chạm mốc 11 điểm trong mỗi hiệp đấu sẽ được nghỉ 1 phút tại sân.

Các vận động viên tiến hành đổi sân tại các thời điểm:

  • Khi kết thúc hiệp đầu tiên.
  • Khi kết thúc hiệp thứ hai với tỷ số hòa và chuẩn bị bước vào hiệp thứ ba.
  • Trong hiệp thứ ba, khi một bên đạt 11 điểm đầu tiên.

Phạm lỗi

Trong quá trình thi đấu, nếu người chơi vi phạm các quy định dưới đây, đối thủ sẽ được tính điểm hoặc bản thân sẽ phải nhận những hình thức xử phạt nặng hơn:

  • Cầu phải rơi trong phạm vi giao cầu, nếu bay vượt vạch trắng sẽ bị tính lỗi.
  • Nếu cầu chạm vợt từ hai lần trở lên trước khi bay qua lưới sẽ bị tính là lỗi.
  • Nếu đuôi cầu vô tình chạm vào tay, vẫn có thể bị tính là lỗi.
  • Với trận đánh đôi, chỉ người nhận cầu được phép đánh trả cú giao cầu, đồng đội không được tham gia.
  • Người chơi chạm vào lưới bằng vợt, quần áo hoặc cơ thể.
  • Xâm phạm sân đối phương bằng vợt hoặc thân thể, đặc biệt nếu gây mất tập trung hoặc cản trở đối thủ.
  • Làm đối thủ mất tập trung bằng cử chỉ, la hét hoặc có thái độ thô bạo.
  • Cố tình gián đoạn trận đấu để lấy lại sức hoặc nhận hướng dẫn từ huấn luyện viên.

Một số tình huống trong trận đấu

  1. Đổi cầu

Trong quá trình thi đấu, vận động viên muốn đổi sang quả cầu mới phải được sự đồng ý của trọng tài chính. Nếu trọng tài xét thấy quả cầu vẫn còn sử dụng được, yêu cầu đổi cầu sẽ không được chấp nhận và trận đấu tiếp tục với quả cầu hiện tại.

  1. Dừng trận đấu

Trọng tài có quyền cho tạm dừng trận đấu trong các trường hợp bất khả kháng như:

  • Sự cố thời tiết hoặc điều kiện thi đấu bị ảnh hưởng.
  • Một vận động viên gặp chấn thương cần được kiểm tra y tế.
  • Yếu tố bên ngoài tác động đến trận đấu (ví dụ: vật thể rơi vào sân).

Sau khi trận đấu tiếp tục, số điểm trước khi tạm ngừng sẽ được giữ nguyên.

  1. Giao cầu lại

Giao cầu lại có thể xảy ra trong các tình huống như:

  • Người giao cầu thực hiện khi người nhận chưa sẵn sàng.
  • Cả hai bên đều phạm lỗi khi giao cầu.
  • Sau khi đánh trả, cầu mắc vào lưới và bị giữ lại.
  • Quả cầu bị hỏng, phần đế và lông cầu tách rời hoàn toàn.
  • Một vận động viên bị mất tập trung do tác động từ bên ngoài, ví dụ như huấn luyện viên đối phương gây ảnh hưởng.
  1. Cầu ngoài cuộc

Một quả cầu được xem là ngoài cuộc khi:

  • Cầu chạm vào lưới hoặc cột lưới và rơi xuống phần sân của người đánh.
  • Cầu chạm mặt sân cầu lông.
  • Trọng tài quyết định có một lỗi hoặc giao cầu lại.
  1. Trì hoãn trận đấu

Chỉ trọng tài chính mới có quyền quyết định trì hoãn trận đấu. Quyền này không được sử dụng để giúp vận động viên hồi phục thể lực hoặc nhận sự chỉ đạo từ huấn luyện viên.

  1. Chỉ đạo và rời sân

Vận động viên chỉ được nhận chỉ đạo khi cầu không trong cuộc. Không vận động viên nào được phép rời sân cầu lông nếu không có sự cho phép của trọng tài hoặc không phải trong thời gian nghỉ giữa các hiệp.

  1. Xử phạt

Trọng tài chính có thể áp dụng các hình thức xử phạt đối với vận động viên vi phạm luật:

  • Cảnh báo nếu vi phạm lần đầu.
  • Phạt lỗi nếu đã bị cảnh báo trước đó.
  • Nếu vi phạm liên tục, trọng tài chính sẽ báo lên tổng trọng tài, tổng trọng tài là người có quyền quyết định truất quyền thi đấu của vận động viên.

Vai trò của trọng tài

Trong một trận đấu cầu lông, đội ngũ trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch và duy trì luật thi đấu. Mỗi trận đấu sẽ có tổng trọng tài, trọng tài chính, trọng tài biên và trọng tài giao cầu, mỗi người có một nhiệm vụ cụ thể.

Tổng trọng tài

  • Chịu trách nhiệm toàn diện cho một giải đấu hoặc một nội dung thi đấu cụ thể.
  • Đưa ra quyết định cuối cùng trong các trường hợp tranh chấp lớn.
  • Có quyền bổ nhiệm, thay đổi hoặc đình chỉ các trọng tài khác nếu cần thiết.

Trọng tài chính

  • Là người có quyết định cao nhất trong mỗi trận đấu.
  • Duy trì và thực thi luật cầu lông, kịp thời hô "Lỗi" hoặc "Giao cầu lại".
  • Giải quyết các khiếu nại liên quan đến điểm số hoặc luật thi đấu.
  • Báo cáo với tổng trọng tài về các vi phạm hoặc xử phạt trong trận đấu.
  • Được phép bổ nhiệm, thay đổi trọng tài biên hoặc trọng tài giao cầu khi cần thiết.
  • Có quyền phủ quyết quyết định của trọng tài biên nếu nhận thấy sai sót.

Trọng tài giao cầu

  • Kiểm soát và phát hiện các lỗi giao cầu của vận động viên.
  • Cung cấp cầu mới khi có sự cho phép của trọng tài chính.

Trọng tài biên

  • Quan sát và xác định cầu "trong" hay "ngoài" phạm vi sân đấu.
  • Báo cáo kết quả cho trọng tài chính khi có tình huống tranh chấp.

Lưu ý: Quyết định của mỗi trọng tài đều là cuối cùng về mảng mà họ phụ trách, trừ trường hợp trọng tài chính hoặc tổng trọng tài can thiệp trong một số tình huống đặc biệt.

Một số kỹ thuật đánh cầu lông hiệu quả, dễ ăn điểm

Kỹ thuật treo cầu

Treo cầu là kỹ thuật người chơi đánh quả cầu từ sân sau của mình sang sân trước của đối thủ và rơi nhanh xuống. Đây là một kỹ thuật đưa đối thủ vào thế bị động và dễ mắc sai lầm khi phán đoán tình huống. Để thực hiện kỹ thuật này, người chơi sẽ căn khi cả mình và đối thủ đều ở vị trí cuối sân và thực hiện kỹ thuật làm đối thủ khó phản ứng kịp.

Kỹ thuật treo cầu
Kỹ thuật treo cầu

Có ba kiểu treo cầu phổ biến dựa theo tay thuận của người chơi là treo cầu thuận tay, treo cầu trái tay và treo cầu đỉnh đầu. Ngoài ra, tùy vào đường bay của cầu và cách đánh, treo cầu được chia thành ba nhóm chính:

  • Treo chém – cầu rơi nhanh và khó đoán.
  • Treo chặn – sử dụng lực vừa phải, tạo độ xoáy.
  • Treo nhẹ – đưa cầu rơi xuống từ từ, gây khó khăn cho đối phương khi phòng thủ.

Kỹ thuật móc cầu

Móc cầu là một kỹ thuật hữu ích giúp đưa đối thủ vào thế bị động bằng cách đánh cầu từ sát lưới bên mình sang sát lưới đối phương, khiến họ khó phản xạ kịp.

Kỹ thuật này được chia thành hai loại chính:

  • Móc cầu thuận tay – dễ thực hiện, phù hợp với người mới chơi.
  • Móc cầu trái tay – khó hơn nhưng hiệu quả trong các tình huống bất ngờ.
    Kỹ thuật móc cầu
    Kỹ thuật móc cầu

Kỹ thuật lốp cầu

Lốp cầu (hay phông cầu) là một kỹ thuật phổ biến trong đánh đơn, kỹ thuật này đưa cầu cao và sâu về cuối sân đối phương. Mục tiêu của kỹ thuật này là ép đối thủ phải di chuyển ra xa, từ đó tạo khoảng trống gần lưới để thực hiện cú đánh quyết định. Bên cạnh việc tấn công, lốp cầu còn giúp giảm nhịp độ trận đấu, tạo cơ hội cho người chơi chuẩn bị cho pha đánh tiếp theo.

Kỹ thuật lốp cầu
Kỹ thuật lốp cầu

Kỹ thuật bỏ nhỏ

Bỏ nhỏ là kỹ thuật đánh cầu nhẹ từ giữa hoặc cuối sân của mình sang phần trước sân đối thủ, khiến họ bất ngờ và buộc phải di chuyển nhanh lên lưới.

Pha bỏ nhỏ không chỉ giúp bạn ghi điểm trực tiếp mà còn mở ra cơ hội tấn công, do đối thủ phải tiến lên nhanh và sâu, tạo khoảng trống ở giữa và cuối sân. Tận dụng điểm yếu này, bạn có thể thực hiện những cú đánh quyết định để giành lợi thế.

Kỹ thuật bỏ nhỏ
Kỹ thuật bỏ nhỏ

Kỹ thuật gài lưới

Kỹ thuật gài lưới là một pha đánh cầu có quỹ đạo đi chéo và sát lưới, khiến đối thủ khó phán đoán được hướng cầu. Đây là một kỹ thuật tấn công hiệu quả, nhưng cần phải thực hiện cẩn thận, vì khi gài lưới, bạn sẽ đứng gần lưới, để lại khoảng trống phía sau. Nếu đối thủ đỡ được pha gài lưới của bạn, họ có thể tấn công vào phần sân sau, khiến bạn rơi vào thế bị động. Đồng thời, vì cần đánh cầu sát lưới nên vẫn có nguy cơ bạn đánh cầu trúng vào lưới và mất điểm. Vì vậy, việc sử dụng kỹ thuật này yêu cầu độ chính xác cao và khả năng đọc tình huống tốt để tránh bị phản công.

Kỹ thuật gài lưới
Kỹ thuật gài lưới

Thử nghiệm cách tính điểm mới của BWF

Ngày 9/11/2024, Hội đồng Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) đã họp thông qua hệ thống tính điểm mới, thay thế cách tính 21 điểm bằng 15 điểm mỗi hiệp. Đến ngày 3/2/2025, BWF đưa ra kế hoạch thử nghiệm hệ thống này tại một số giải đấu châu lục, cấp độ ba, quốc gia và quốc tế, dự kiến diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9 hoặc 10/2025.

Mục tiêu của sự thay đổi này là nhằm tăng tính hấp dẫn cho từng hiệp đấu, rút ngắn thời gian thi đấu, giúp VĐV bảo toàn thể lực và kéo dài tuổi thọ thi đấu. BWF tin rằng việc giảm số điểm mỗi hiệp sẽ tăng tính cạnh tranh, khiến người hâm mộ bị cuốn hút hơn khi theo dõi các trận đấu. Việc thử nghiệm này sẽ giúp đánh giá tính hiệu quả trước khi có quyết định áp dụng chính thức.

5/5 (1 bầu chọn)  

Thi công trọn gói

Giảm 5% tổng hợp đồng
 

Bảo hành 3 năm

Đổi trả trong 7 ngày
 

100% chính hãng

& cam kết đúng xuất xứ