
Điểm giống nhau của sàn PVC, SPC và WPC
Cấu tạo nhiều lớp
Sàn PVC, SPC và WPC đều có cấu trúc nhiều lớp giúp tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Các lớp cơ bản gồm:
- Lớp bề mặt: Chống trầy xước, chống nước và dễ vệ sinh.
- Lớp in: In màu trơn hoặc mô phỏng vân gỗ hoặc đá.
- Lớp lõi: Thành phần chính giúp sàn ổn định, chịu lực tốt.
- Lớp đế: Giúp bám nền chắc chắn, chống ẩm từ mặt sàn bên dưới.
Khả năng chống nước: Cả ba loại sàn này đều chống nước gần như tuyệt đối, gần như không bị cong vênh hay phồng rộp khi gặp ẩm.
Dễ lắp đặt: Các loại sàn này có thể thi công nhờ cấu tạo hèm khóa hoặc bằng dán keo, giúp thi công nhanh, không cần dùng đinh hay những biện pháp phức tạp khác.
Dễ vệ sinh và bảo trì: Bề mặt sàn chống bám bẩn, dễ lau chùi bằng khăn ẩm và chất tẩy nhẹ, không cần bảo dưỡng định kỳ như sàn gỗ tự nhiên.
Chống mối mọt và nấm mốc: Do thành phần chính không phải gỗ tự nhiên (hoặc chứa rất ít như WPC),sàn không bị mối mọt hay nấm mốc phá hoại.
Ứng dụng đa dạng: Sàn PVC, SPC, WPC phù hợp với nhiều không gian như nhà ở, văn phòng, showroom, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học…
Điểm khác biệt của sàn PVC, SPC và WPC
Chất liệu và cấu tạo
Sàn PVC, SPC và WPC đều thuộc dòng sàn nhựa tổng hợp nhưng có sự khác biệt về thành phần lõi, ảnh hưởng đến đặc tính của từng loại.
- Sàn PVC có cấu tạo từ nhựa polyvinyl clorua (PVC) kết hợp với các chất phụ gia để tăng khả năng chống mài mòn, chống ẩm và chống ố. Nhờ tính linh hoạt của PVC, loại sàn này khá mềm dẻo, dễ thi công.
- Sàn SPC (Stone Plastic Composite) có lõi cứng, làm từ hỗn hợp bột đá vôi, PVC và chất ổn định, giúp sàn có độ bền cao, chịu lực tốt và đặc biệt chống nước tuyệt đối. Đây là loại sàn ổn định nhất, ít bị giãn nở khi thay đổi nhiệt độ.
- Sàn WPC (Wood Plastic Composite) chứa PVC, bột gỗ, canxi cacbonat, chất hóa dẻo và chất tạo bọt, tạo cảm giác giống gỗ hơn nhưng vẫn có khả năng chống nước tốt.
Độ bền và ứng dụng tương ứng
Sàn PVC do được làm gần như hoàn toàn bằng nhựa nên có độ bền kém hơn so với SPC và WPC, có thể bị trầy xước và biến dạng dưới tác động mạnh. Do đó, sàn PVC thích hợp cho các khu vực ít chịu lực, như phòng ngủ hoặc văn phòng.
Sàn SPC có lõi cứng được tạo thành từ bột đá vôi và nhựa PVC, giúp tăng mật độ vật liệu lõi và độ cứng. Điều này mang lại cho sàn SPC độ bền cao, khả năng chịu lực tốt và ít bị biến dạng hay cong vênh. Tại Việt Nam, sàn SPC được ưa chuộng trong các khu vực có lưu lượng người qua lại cao hoặc để nhiều đồ đạc như phòng khách, hành lang, trung tâm thương mại, tầng hầm,...
Sàn WPC kết hợp giữa nhựa PVC và bột gỗ, tạo cảm giác giống gỗ tự nhiên, là một loại phổ biến của sàn nhựa giả gỗ. Mặc dù có độ bền tương đối, sàn WPC mềm hơn SPC và có thể bị giãn nở khi nhiệt độ thay đổi. Do đó, sàn WPC phù hợp cho các không gian nội thất cần tính thẩm mỹ cao nhưng ít chịu tác động mạnh, như phòng làm việc hoặc phòng đọc sách.
Tính thoải mái khi sử dụng
Sàn PVC có độ mềm dẻo cao, mang lại cảm giác êm ái khi bước chân. Tuy nhiên, do độ dày thường mỏng hơn (khoảng 2-3mm),khả năng cách âm và cách nhiệt kém hơn một chút so với 2 loại sàn còn lại.
Sàn SPC có cấu trúc lõi cứng từ bột đá vôi và nhựa, mang lại cảm giác chắc chắn dưới chân. Tuy nhiên, do có độ cứng cao nên loại sàn này không êm bằng sàn PVC và WPC. Để cải thiện độ thoải mái, người dùng có thể sử dụng thêm lớp lót bên dưới sàn.
Sàn WPC chứa thành phần bột gỗ nên có độ đàn hồi tốt, mang lại cảm giác êm ái và ấm áp hơn khi bước chân so với SPC. Điều này đặc biệt hữu ích đối với thói quen đi chân trần trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.
Quá trình thi công
Sàn PVC có đặc tính mềm dẻo, dễ thích nghi với bề mặt nền không hoàn toàn phẳng. Tuy nhiên, nếu nền bị gồ ghề, sàn vẫn có thể bị nhô lên và hạ xuống theo bề mặt, làm tăng nguy cơ hao mòn tại những điểm nhô cao. Vì vậy, khi thi công sàn nhựa PVC, cần đảm bảo nền tương đối bằng phẳng để tránh hiện tượng này.
Sàn SPC có độ cứng cao, thường có cấu tạo hèm khóa nên không cố định vào mặt nền, do đó yêu cầu nền phụ phải có độ phẳng cao. Nếu nền không đạt tiêu chuẩn, các tấm sàn SPC có thể di chuyển theo hướng tự san phẳng, ảnh hưởng đến kết cấu tổng thể.
Sàn WPC có quá trình thi công tương tự SPC do sử dụng hệ thống hèm khóa. Tuy nhiên, do chứa bột gỗ, WPC có thể yêu cầu kỹ thuật lắp đặt cẩn thận hơn để đảm bảo sự ổn định và độ bền dài lâu.
Giá thành
Sàn PVC: Loại sàn này có nhiều mức giá, giao động khoảng 80.000 - 1.000.000 VNĐ/m² trở lên, tùy thuộc vào chất lượng và tính năng đặc biệt của sàn. Có giá thấp nhất là loại thảm PVC dạng cuộn thông thường, ngoài ra các loại sàn hèm khóa, sàn tĩnh điện hoặc sàn kháng khuẩn có mức giá cao hơn và đắt nhất là loại sàn dùng cho sân thể thao.
Sàn SPC: Với cấu tạo từ bột đá và nhựa, sàn SPC có độ bền và tính thẩm mỹ cao, giá thành dao động từ 200.000 VNĐ/m² đến 600.000 VNĐ/m². Loại sàn này phù hợp cho các khu vực có lưu lượng người qua lại cao như phòng khách hay văn phòng.
Sàn WPC: Kết hợp giữa nhựa và bột gỗ, sàn WPC thường được sử dụng cho các công trình ngoài trời như ban công, sân vườn, với khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bảng giá gỗ nhựa ngoài trời WPC thường nhỉnh hơn so với sàn SPC, dao động từ 430.000 VNĐ/m² đến 750.000 VNĐ/m², tùy thuộc vào chất lượng và thương hiệu.
Bảng tổng hợp
Sàn PVC | Sàn SPC | Sàn WPC | |
Chất liệu | Nhựa PVC | Bột đá vôi, nhựa PVC và chất ổn định | Nhựa PVC, bột gỗ và một số chất khác |
Độ bền | Bình thường | Tốt | Bình thường |
Tính thoải mái | Êm ái; cách nhiệt và cách âm tương đối tốt nhưng kém hơn so với 2 loại sàn kia | Mặt sàn cứng | Êm ái, có độ đệm |
Ứng dụng | Đa dạng | Khu vực có lưu lượng người qua lại cao hoặc để nhiều đồ đạc | Không gian nội thất cao cấp, cần tính thẩm mỹ |
Quá trình thi công | Linh hoạt hơn 2 loại sàn kia | Cần nền phụ có độ phẳng cao | Cần nền phụ có độ phẳng cao |
Giá thành | Đa dạng mức giá | Trung bình | Cao |