
Vật liệu chống chịu tốt trong điều kiện ngoài trời
Khi lựa chọn vật liệu sử dụng ngoài trời, yếu tố quan trọng nhất chính là khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nắng, mưa, tia UV, ozone, độ ẩm hay sự thay đổi nhiệt độ liên tục đều có thể làm giảm tuổi thọ của nhiều loại vật liệu thông thường. Tuy nhiên, một số vật liệu đặc biệt đã được nghiên cứu và phát triển để duy trì độ bền cao trong môi trường ngoài trời.
Cao su EPDM
Cao su EPDM (Ethylene Propylene Diene Monomer) là loại cao su tổng hợp có mật độ cao, được thiết kế có thể chịu được tia UV, ozone, nước và các tác nhân thời tiết khác trong thời gian dài. EPDM không chỉ có độ bền vượt trội mà còn có khả năng chống mài mòn tốt, lâu phai màu, độ linh hoạt cao, phù hợp ứng dụng ngoài trời như sân chơi, lớp phủ mái, hay các bộ phận kỹ thuật ngoài trời. Trong đó sân chơi trẻ em EPDM là ứng dụng phổ biến nhất, không chỉ do khả năng chống chịu với môi trường mà còn nhờ hạt cao su EPDM có nhiều màu sắc, dễ thiết kế các khu vực yêu cầu tính thẩm mỹ.
Cao su Viton
Cao su Viton có độ bền cao đến mức được ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tuy có giá thành cao hơn EPDM nhưng đối với những môi trường có điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, đòi hỏi khả năng chịu nhiệt, chống hóa chất và thời tiết ở mức tối đa, Viton là giải pháp đáng đầu tư.
Silicone
Bên cạnh EPDM và Viton, cao su Silicone cũng là loại vật liệu có khả năng chống chịu thời tiết tốt. Không cứng cáp như EPDM hay Viton, Silicone có độ dẻo, khả năng đẩy nước, chống tia UV và chịu được môi trường khắc nghiệt mà không bị hư hỏng trong thời gian dài. Đặc biệt, silicone hoạt động tốt trong cả điều kiện nóng và lạnh. Vật liệu này thường dùng làm keo dán sàn và các bộ phận như gioăng, đệm kín, lớp phủ bảo vệ và các ứng dụng yêu cầu tính đàn hồi cao.
Nhựa PVC
Một vật liệu khác cũng rất đáng chú ý là nhựa PVC (Polyvinyl Chloride). Mặc dù không thuộc nhóm cao su, nhưng PVC lại có khả năng chống chịu thời tiết cực kỳ tốt không kém các loại cao su phía trên. Sàn nhựa PVC không bị ăn mòn, không nứt gãy khi tiếp xúc lâu dài với mưa, nắng hay nhiệt độ thay đổi. Ngoài ra, loại sàn này có thiết kế linh hoạt, phổ biến nhất là loại sàn nhựa giả gỗ, nên thường được lắp đặt tại những khu vực ban công, hè nhà hay sân thượng.
Nhựa TPE
TPE (Thermoplastic Elastomer) kết hợp tính linh hoạt của cao su với khả năng gia công của nhựa, giúp nó trở thành vật liệu lý tưởng cho các ứng dụng ngoài trời yêu cầu độ mềm dẻo và bền bỉ. Nhờ đặc tính này, TPE thường được sử dụng để làm đồ gia dụng, phớt ô tô và các bộ phận khác cần chịu tác động từ môi trường trong thời gian dài.
Đá
Bên cạnh các vật liệu tổng hợp, đá tự nhiên cũng là một lựa chọn có khả năng chịu thời tiết rất tốt. Đá có khả năng chống chịu các yếu tố thời tiết như mưa, gió, nhiệt độ cao và tia UV. Một số loại đá phổ biến trong ứng dụng ngoài trời bao gồm đá granite, đá bazan và đá cẩm thạch. Chúng thường được sử dụng trong lát sàn, ốp tường, lối đi hoặc bề mặt chịu tải trọng lớn.
Vật liệu không nên sử dụng ngoài trời
Bên cạnh các vật liệu có thể chịu được điều kiện ngoài trời, có một số vật liệu khác, dù có đặc tính cơ học tốt, vẫn có thể bị hư hỏng nhanh chóng do tác động của ánh sáng mặt trời, ozone hoặc độ ẩm.
Cao su Nitrile
Cao su Nitrile là một ví dụ điển hình. Loại cao su này có khả năng chống dầu và dung môi rất tốt, thường được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, sản xuất găng tay bảo hộ hoặc các ứng dụng tiếp xúc với hóa chất. Tuy nhiên, khi đặt ngoài trời, Nitrile nhanh chóng bị lão hóa do tác động của tia UV và ozone, dẫn đến hiện tượng nứt vỡ và mất tính đàn hồi.
Cao su tự nhiên
Tương tự, cao su tự nhiên cũng không phải là lựa chọn phù hợp cho môi trường ngoài trời. Mặc dù có độ bền cơ học cao và khả năng đàn hồi tốt nhưng cao su tự nhiên lại dễ bị phân hủy dưới tác động của ánh sáng mặt trời, không khí và các yếu tố môi trường khác. Theo thời gian, bề mặt cao su sẽ cứng lại, nứt gãy và mất đi tính linh hoạt vốn có.