
Dù là sân cầu lông chuyên nghiệp hay bán chuyên thì vẫn cần được kẻ vạch theo đúng tiêu chuẩn về kích thước và bố cục. Nhiều người thường lầm tưởng rằng chỉ cần trải thảm lên mặt sàn là có thể sử dụng ngay nhưng thực tế thì việc kẻ vạch sân là bước quan trọng không thể bỏ qua.
1. Các thuật ngữ liên quan đến đường kẻ sân cầu lông
Trong quá trình thi công thảm cầu lông, chủ sân cần phải nắm rõ các thuật ngữ liên quan đến hệ thống đường kẻ. Những đường kẻ này hỗ trợ quá trình lắp đặt và kiểm tra sân diễn ra thuận lợi hơn, tránh nhầm lẫn giữa sân đơn và sân đôi.
- Đường biên dọc (Sidelines): Đây là hai đường kẻ dọc theo chiều dài sân nhằm xác định chiều ngang của thảm cầu lông. Đường biên dọc là một trong những đường kẻ quan trọng nhất trong luật cầu lông.
- Đường biên ngang (Baselines): Các đường kẻ này nằm ở hai đầu sân vuông góc với đường biên dọc nhằm đánh dấu giới hạn chiều dài của sân
- Đường giao cầu ngắn (Short service line): Những đường kẻ này nằm song song với lưới cách 1.98m. Đây là mốc giới hạn đầu tiên mà quả cầu phải vượt qua khi giao cầu, nếu không vượt được thì sẽ bị tính là lỗi. Đường này rất quan trọng trong việc kiểm tra đúng kỹ thuật phát cầu.
- Đường giao cầu dài (Long service line): Đây cũng là đường giới hạn sau cùng khi phát cầu. Đối với sân đơn thì đường này trùng với đường biên ngang. Còn với sân cầu lông đôi thì đường kẻ sẽ nằm cách đường biên ngang 76cm vào phía trong.
- Đường trung tâm giao cầu (Center line): Là đường nối từ đường giao cầu ngắn tới đường biên ngang giúp chia thảm cầu lông thành hai bên.
- Ô giao cầu (Service courts): Đây là những khu vực được tạo thành bởi đường giao cầu ngắn, đường trung tâm và đường biên dọc. Thông thường, một sân cầu lông tiêu chuẩn sẽ có 2 ô giao cầu mỗi bên.
- Vạch giới hạn sân đơn/đôi (Singles/Doubles sidelines): Đường kẻ này được dùng để giới hạn giữa sân đôi và sân đơn.
2. Hướng dẫn kẻ vạch sân cầu lông
Để có thể vẽ đường kẻ vạch cho sân một cách chính xác và đúng tiêu chuẩn thì chủ sân cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như thước dây, bút đánh dấu, sơn chuyên dụng… kèm theo bảng vẽ thảm cầu lông. Quá trình thi công sân cầu lông tương đối phức tạp nên chủ đầu tư cần đến sự hỗ trợ của những chuyên gia. Về cơ bản, quá trình kẻ vạch sân sẽ gồm các bước sau.
2.1. Xác định điểm gốc và trục sân
Trước khi bắt đầu kẻ vạch, cần chọn một điểm gốc cố định thường là góc dưới bên trái của sân tính từ góc nhìn hướng ra
- Tìm tâm sân: Tâm sân nằm tại điểm giao giữa trục dọc (chiều dài sân) và trục ngang (chiều rộng sân).
- Đánh dấu trục dọc và ngang: Dùng dây căng hoặc tia laser để tạo hai đường trục vuông góc với nhau đi qua tâm sân.
- Xác định hướng sân: Nếu thảm cầu lông ở ngoài trời thì cần điều chỉnh để ánh sáng không chiếu trực tiếp vào mắt người chơi. Đồng thời, sân phải đảm bảo nằm vuông góc và song song với tường bao quanh hoặc đường thoát hiểm.
2.2. Tiến hành kẻ đường vạch sân cầu lông đơn và đôi
Căn cứ theo bảng kế hoạch, nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành kẻ vạch dành cho sân cầu lông đơn và đôi. Mỗi loại sân đều sẽ sử dụng một màu sơn khác nhau nhưng phổ biến nhất là màu trắng và màu vàng. Sau khi đối chiếu lại kích thước chuẩn (dựa theo tiêu chuẩn Liên đoàn Cầu lông Thế giới BWF),đội thi công sẽ dùng thước nhôm thẳng, dây căng và dụng cụ bắn góc vuông để đảm bảo các đường kẻ không bị lệch.
Đối với thảm PVC cầu lông thì cần phải được kẻ bằng sơn chuyên dụng nhằm đảm bảo đường kẻ không bị bong tróc và có độ bám dính tốt. Trong trường hợp sân cầu lông chỉ dùng trong một thời gian ngắn thì chủ sân có thể dùng băng dính do chúng dễ bóc mà không để lại vết keo trên sân.
3. Một số lưu ý quan trọng khi kẻ sân cầu lông
Để đảm bảo chất lượng sân cầu lông và trải nghiệm của người chơi thì cần tuân thủ một số lưu ý dưới đây
- Kích thước chính xác: Các đường kẻ trên thảm phải đúng tỷ lệ để không ảnh hưởng tới luật chơi của bộ môn này và tránh các tranh chấp ngoài ý muốn.
- Chất liệu sơn: Chủ sân nên ưu tiên lựa chọn các loại sơn có độ bám dính tốt, chống trơn trượt và bền màu cao. Một số loại sơn chuyên dụng hiện nay còn được bổ sung khả năng chống mài mòn, chịu nhiệt độ và độ ẩm cao nên thích hợp cho các sân trong nhà lẫn ngoài trời.
- Bảo dưỡng thường xuyên: Lớp sơn cần phải được kiểm tra định kỳ để đảm bảo không bị phai màu, đặc biệt đối với các sân cầu lông có tần suất sử dụng cao.
- Màu sắc đường kẻ rõ ràng, dễ phân biệt: Đối với các sân đơn và đôi thì màu sắc của các đường kẻ nên là hai màu khác nhau nhằm giúp người chơi dễ quan sát và tránh các lỗi kỹ thuật không đáng có trong thi đấu.
Nếu chủ sân không có đủ kinh nghiệm hoặc thiết bị chuyên dụng thì có thể thuê các đơn vị chuyên thi công sân cầu lông.